Hình ảnh ôm vợ trước khi mất của PGS Văn Như Cương khiến nhiều người xúc động
Sự ra đi của PGS Văn Như Cương đã để lại biết bao thương nhớ. Thế nhưng theo chia sẻ của gia đình thì những ngày cuối cuộc đời của PGS Văn Như Cương là quãng thời gian thanh thản trong vòng tay của người vợ đã gắn bó với ông suốt 60 năm cùng các con, các cháu.
Sự thật phía sau câu chuyện Bác bảo vệ được học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi chào mỗi ngày
Trong căn nhà phía sau trường Lương Thế Vinh ( Hà Nội ) nơi mà PGS Văn Như Cương và vợ là bà Đào Kinh Oanh ở, hôm nay khép cửa, Qua lối đi nhiều cây, những con chim trong lồng cũng ủ rũ. Qua cánh cửa kính vào nhà là hình ảnh của bà Oanh, đầu gục lên tay đôi mắt trũng sâu, trịu nặng nỗi buồn.
Trong phòng, các ô cửa, tranh ảnh, mặt tivi đều được dán kín một màu bìa. Tôi nắm lấy bàn tay run run của vợ PGS Văn Như Cương, giọng bà nghẹn lại: “Ông nhà đi rồi cháu ạ”.
Bà Oanh vốn có tiền sử tăng huyết áp và thế nên khi khách tới thăm cũng đã được người nhà nhắc nhở là tránh gây xúc động. Sau một vài câu nói, không kìm được nước mắt, vợ PGS Văn Như Cương và khách đến thăm lại im lặng. Mọi người nắm lấy đôi bàn tay lạnh của bà mà ủ ấm.
Chỉ mới ngày hôm qua thôi, nơi đây còn tiếng cười đùa của các con, cháu, chắt về sum họp. Thế mà nay, PGS Văn Như Cương – người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò – đã không còn nữa.
‘Bố ra đi thanh thản như chìm vào giấc ngủ’
Theo lời cô Văn Thùy Dương – Phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, con gái PGS Văn Như Cương – cho tôi xem bức ảnh cuối trước khi thầy mất. Trong bức ảnh, thầy đặt trọn bàn tay mình lên gương mặt vợ. Còn Bà Oanh quàng tay ôm chồng. Xung quanh giường là các con các cháu tề tựu đông đủ.
Cô Dương cũng cho biết các bác sĩ tại Bệnh Viện Vinmec đã tiên lượng về tình trạng sức khỏe của Thầy yếu nên đồng ý cho gia đình đưa thầy về nhà từ ngày 06/10′
Cho đến hôm 7/10 thì Kiều Anh (cháu dâu của PGS Văn Như Cương) sinh con đầu lòng. Thầy rất vui, hỏi lúc nào chắt ra đời? Khi nhìn thấy ẳnh của chắt, ông nở nụ cười mãn nguyện.
Tới 21h ngày 8/10, cháu ngoại Đặng Tiểu Tô Sa (tên ở nhà là Hin) bay từ Australia về thăm ông. Gia đình đông đủ, thầy Cương không giấu nổi xúc động, cất giọng nói: “Oanh ơi, Hin về rồi kìa, học hành thế nào rồi cháu?”.
Lúc đó vẫn còn minh mẫn trò chuyện với mọi người như thế nhưng tới khoàng 22h cùng ngày, khi bác sĩ ở Bệnh Viện Y học Cổ truyền tới khám nói rằng mạch của PGS Văn Như Cương đã yếu, ánh mắt trùng dần xuống. Cả gia đình ngồi quây quần bên người cha, người ông của mình.
“Giây phút cuối cùng, bố mở mắt thật to, nhìn từng người trong gia đình đông đủ. Rồi thở nhẹ nhàng, bố nhắm mắt như đang ngủ. Lúc đó là 0h27 sáng 9/10, bố mất, khép lại một cuộc đời trọn vẹn”, cô Dương xúc động kể lại.
Cũng theo lời cô Dương, 3 ngày cuối cuộc đời sau khi trở về từ bệnh viện, Thầy đã sống trong sự bình yên, thanh thản, và không hề đau đớn.
Tâm hồn thầy như đứa trẻ, hàng ngày nhìn ngắm mọi người trong gia đình, mỉm cười mãn nguyện khi nghe các cô con gái nay đã dần lên chức “bà” hỏi vui: “Đố bố biết, con gái Thùy Dương và Quỳnh Dao ai yêu bố hơn?”.
“Chúng tôi luôn miệng nói yêu bố. Nhắc về kỷ niệm thời ấu thơ, tôi hỏi: ‘Lâu rồi bố không gọi con là Bưởi nhỉ, bố lại cười”, cô Dương kể.
Được biết cũng trong quãng thời gian ngắn ngủi này PGS Cương không xa vợ nửa bước. Ông luôn miệng hỏi “Mẹ con đâu rồi” nếu không thấy bà xã đâu.
“Trước khi mất, bố dặn dò chúng tôi rất kỹ lưỡng về việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Vài tuần trước, khi mẹ bị đau chân, bố tra cứu trên Internet thấy người ta bán kem giãn tĩnh mạch liền đặt mua 3 tuýp và gọi người chuyển đến tận nhà. Đó là chuyện chưa bao giờ bố từng làm”, cô Dương bồi hồi nhớ lại.
“Ông truyền nghị lực cho chính đội ngũ y bác sĩ chúng tôi’
Nói về tình cảm của vợ chồng PGS Văn Như Cương, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Trung Hiệp, phụ trách ung bướu người lớn, Bệnh viện Vinmec, Hà Nội, cho biết bản thân đã chứng kiến rất nhiều cảnh “bà chăm ông” thê nhưng chưa bao giờ ông lại cảm động như khi thấy cảnh bà Oanh chăm sóc cho thầy Cương.
“80 tuổi, họ luôn gọi nhau là anh xưng em, hiện đại như đôi lứa tuổi 20. Bà Oanh dù bị cao huyết áp, tai biến nhưng luôn túc trực, chăm sóc bên chồng hàng ngày”, bác sĩ nói.
Hình ảnh gia đình của thầy Cương với 3,4 đời con cháu quây quần bên giường bệnh cũng khiến cho bác sĩ Hiệp cảm kích.
Bác sĩ Hiệp kể hơn 3 năm, PGS Văn Như Cương chiến đấu với căn bệnh ung thư gan, thì thời gian khó khăn nhất chính là những ngày đầu tiên khi thông báo tình hình bệnh tật cho ông.
“Với nhiều người, ung thư là điều gì đó kinh khủng lắm, nhưng thầy Cương lại đón nhận rất bình tĩnh, chữa trị với tinh thần hợp tác. Thầy khiến những người xung quanh không có cảm giác nặng nề”, bác sĩ Hiệp nói.
Ông cũng nói thêm rằng với bệnh tình của thầy Cương thì theo thống kê trên thế giới nhiều bệnh nhân chỉ sống được 6 tháng. Vì vậy mà cuộc chiến đấu của Thầy Cương với căn bệnh này trong suốt 3 năm qua quả là một điều phi thường.
Bác sĩ Hiệp nhiều lần ví sức khỏe thầy Cương như “xiếc đi trên dây”. Nhưng thật may mắn thầy Cương lại là người tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị và luôn có niềm tin vào y học.
“Một cốc sữa con gái pha, nếu chưa có ý kiến của bác sĩ, thầy cũng không uống”, bác sĩ Hiệp thông tin.
Trong suốt 3 năm sống chung với căn bệnh ung thư, Thầy Cương cũng đã nhiều lần đi qua khúc cua tử thần. Ở đó, bác sĩ có vai trò như huấn luyện viên, còn chiến thắng hay không phần nhiều phụ thuộc những người bệnh không chịu đầu hàng.
Đã có những lúc thầy Cương bị hôn mê gan, nói lẫn, không đi lại được. Ngày 31/8 năm ngoái, khi phải vào viện cấp cứu vì tiền hôn mê gan, ai cũng nghĩ rằng thầy không thể trở về với học trò vào ngày khai giảng. Thế nhưng tới ngày 6/9 thầy vẫn trở về, minh mẫn phát biểu trước toàn trường 15 phút rồi lại vào nhập viện.
Tháng 2 vừa qua, thầy bị khó thở, sốt, nhiễm khuẩn – tràn dịch màng phổi. Qua các cuộc hội chẩn, bác sĩ nói với gia đình cần xác định bệnh nhân có thể không qua khỏi khi phải sử dụng morphine, truyền tĩnh mạch mà vẫn không thể có một giấc ngủ.
Tuy nhiên, bằng các nỗ lực điều trị như chống nhiễm trùng, chống nấm, truyền dinh dưỡng, giảm đau, thầy lại qua được khúc cua tử thần. Những lần điều trị của thầy đều sử dụng phương pháp hiện đại trên thế giới.
Thế nhưng cho tới lần nhập viện này, với tiên lượng xấu bác sĩ Hiệp đã khuyên gia đình đưa thầy về nhà, như lá rụng về cội, cần một nơi thật bình yên, ý nghĩa, thân quen.
“Khi đưa thầy về, tôi hỏi ông có đau không? Thầy có tâm nguyện gì về y khoa không? Thầy trả lời, cứ điều trị như thế này là ổn rồi. Tới sáng ngày 09/10, tôi nhận được tin nhắn của gia đình báo thầy qua đời. Dẫu biết rằng sức khỏe của thầy như ngọn đèn trước gió nhưng vẫn không thể nào nguôi bớt đau thương”, bác sĩ Hiệp tâm sự.
Đã nhiều lần tiễn đưa bệnh nhân, nhưng lần này, bác sĩ Hiệp bày tỏ PGS Văn Như Cương đã khép lại cuộc đời viên mãn, trở về với cát bụi trọn vẹn với những ngày tháng cuối cùng không đau đớn nên người ở lại cũng nhẹ nhàng hơn.
Người thầy, bệnh nhân 80 tuổi để lại trong bác sĩ trẻ tinh thần lạc quan đáng ngưỡng mộ.
“Tôi vẫn thường kể về tấm gương của thầy Cương với những bệnh nhân ung thư khác để khích lệ, có nhiều người đã kéo dài thời gian sống ý nghĩa khi từ 6 tháng lên đến 2, 3 năm. Thầy Cương không chỉ truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò, cho xã hội về giáo dục, ông còn truyền nghị lực cho chính đội ngũ y bác sĩ chúng tôi”, bác sĩ Hiệp nói khi nhớ về người thầy vừa khuất.