Ca sinh 4 “chấn động” được đích thân cố Thủ tướng đặt tên và câu chuyện chưa kể
40 năm trước đây một ca sinh 4 hiếm hoi tại Hà Nội đã được đích thân cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và đặt tên là ” Bắc, Nam, Thống, Nhất ” . Đó là gia đình bà Bùi Thị Hương (Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) Cuộc sống của họ bây giờ ra sao?
Nếu một ngày thấy cuộc sống quá phức tạp, Phụ Nữ hãy thuộc làu 7 tuyệt chiêu sống thanh thản sau !
Đã sống riêng nhà còn bị ăn cơm ké, nàng dâu trẻ ấm ức không biết kể với ai
Sau 40 năm cả 4 nugời con gái ấy đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định.
Bà Bùi Thị Hương (SN 1945, Tựu Liệt, Thanh Trì), là người mẹ đặc biệt trong ca sinh 4 ‘ chấn động” năm nào hiện tại đang sống cùng với con gái út trong một căn nhà nhỏ ở khu tập thể Yên Ngưu. Dù đã hơn 40 năm, nhưng giây phút được đích thân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, động viên và đặt tên cho 4 người con vẫn khiến bà xúc động mỗi lần nhớ lại.
Ca sinh 4 gây “chấn động” Hà Nội một thời…
Bà Hương kể, bà lấy chồng năm 22 tuổi, khi đó bà là nhân viên mậu dịch ở chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn chồng là giáo viên dạy cấp hai. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 1970, đến năm 1977 bà Hương tiếp tục mang thai và hạ sinh 4 cô con gái tại Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Bà Hương kể, hành trình từ lúc mang thai đến khi trở dạ sinh con lần hai này vô cùng vất vả và gian nan. Khi mang thai đến tháng thứ 7 của thai kỳ bà phải nhập viên do toàn thân phù nề, đi lại rất khó khăn. “Bụng tôi to bất thường, nhưng khi chụp chiếu, siêu âm các bác sỹ cũng không phát hiện tôi mang thai 4. Họ nói tôi bị nhiễm độc thai nghén nên thai nhi có 2 đầu, 8 chân. Dù lo lắng và hoang mang nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh để mẹ tròn, con vuông”, bà Hương nhớ lại.
Khoảng 5h sáng chủ nhật ngày 17/4/1977, bà Hương bỗng thấy đau bụng nên nhanh chóng được đưa lên bàn đẻ. Do là ngày nghỉ nên bệnh viện chỉ có các thực tập sinh mà không có bác sỹ trực. Cứ khoảng 10 phút, bà Hương lại hạ sinh một bé.
Đến khi 3 bé chào đời, các y tá thực tập tưởng đã hết nên dừng lại, phải đến khi thấy bụng bà động đậy, một người y tá vào kiểm tra thì bất ngờ khi vẫn còn sót một bé. Người con út vì thế ra đời chậm hơn các chị, bị nước ối tràn vào mắt dẫn đến đục thủy tinh thể.
Ca sinh 4 của bà Hương thời điểm đó được đánh giá là cực kỳ hy hữu và hiếm gặp. Rất đông phóng viên, người dân và các bệnh nhân trong bệnh viện tò mò kéo đến chật kín phòng bệnh. Điều bất ngờ là, ngay ngày hôm sau, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đích thân cử cán bộ đến thăm hỏi và tặng quà.
Ông cũng ngỏ ý đặt tên và nhận đỡ đầu cho cả 4 bé. Bà Hương xúc động nói: “Lúc đó tôi vẫn còn nằm trên giường bệnh, rất mệt nhưng vô cùng cảm động và bất ngờ vì không nghĩ một gia đình bình thường như mình lại được đích thân Thủ tướng quan tâm như vậy”.
Theo đó, 4 người con của bà Hương lần lượt được mang tên là: Bắc, Nam, Thống, Nhất. Cái tên đánh dấu sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng của đất nước.
Cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt và chân dung giản dị của vị Nguyên thủ Quốc gia
Chưa dừng lại ở đó, 6 tháng sau khi ra viện, vào ngày mùng 2 Tết năm 1978 khi bà Hương cùng chồng đang lúi húi dọn dẹp trong nhà ở khu tập thể Trung Tự thì thấy 7 chiếc xe ô tô dừng lại trước cửa nhà. Ngay sau đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước xuống xe, theo sau là rất đông cán bộ, nhân viên tháp tùng. “Cuộc gặp gỡ quá bất ngờ và không được thông báo trước khiến tôi luống cuống, cảm động không nói nên lời, nước mắt cứ thế tuôn ra suốt buổi nói chuyện”, bà Hương xúc động kể.
Trong ký ức của bà Hương, dù là một lãnh đạo cấp cao của đất nước nhưng cố Thủ tướng lại rất giản dị và ấm áp. Ông bước vào nhà, hỏi han sức khỏe và động viên gia đình. “Nhà tôi chật chội, không có ghế phải sang nhà hàng xóm mượn tạm cho bác ngồi. Tôi thì mặc áo rách, trên nền nhà 4 người con đang bò lổm ngổm…
Dù là một vị lãnh đạo nhưng bác không nề hà, rất gần gũi, liên tục hỏi tôi: “Nhà cháu thiếu thứ gì?”. Khi tôi đáp: “Cháu chỉ mong ước có chiếc tủ lạnh nhỏ để đựng sữa đường cho các cháu uống” thì bác gật đầu đồng ý ngay. Tiếp đó, trông thấy mấy đứa nhỏ thiếu quần áo, bác Đồng lại ân cần bảo: “Các cháu có đủ áo len mặc không? Nhà nghèo thì nghèo cũng phải có cái áo cho tử tế. Cháu cần gì cứ nói”, bà Hương kể.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khoảng 30 phút, trước khi ra về cố Thủ tướng còn dành tặng một quyển số tiết kiệm cho gia đình bà Hương đồng thời không quên chỉ thị cấp dưới cho bà Hương nghỉ ở nhà chăm con nhưng vẫn được hưởng gấp đôi tiền lương hàng tháng. “Bác dặn tôi cứ yên tâm ở nhà chăm con cho tốt, không phải đi làm nữa. Có bất cứ khó khăn gì cứ nói, bác sẽ giúp”, bà Hương nói.
Ngay ngay hôm sau, một chiếc xe ô tô được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cử đến chở rất nhiều đồ đạc và nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình như: chăn, quần áo, sữa, tủ lạnh… Hàng năm, cứ đến dịp lễ Tết, cố Thủ tướng lại cử người đến đón gia đình bà Hương đến nhà riêng của ông ở đường Hoàng Diệu.
Tại đây, ông đích thân dặn dò đầu bếp nấu các món ăn ngon để thiết đãi các cháu nhỏ. “Bác là người rất chu đáo, tình cảm. Tôi nhớ có lần khi đến nhà bác chơi đã thấy bác chuẩn bị sẵn món bánh cuốn để trên bàn. Khi ăn xong, lúc ra về bác còn bảo người gói phần mang về cho chồng tôi ở nhà”, bà Hương cho hay.
Đến tận nhiều năm sau đó, khi 4 người con gái là Bắc, Nam, Thống, Nhất đến tuổi trưởng thành, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn giữ liên lạc và dành sự quan tâm đặc biệt. Trong ngày vui của người chị cả là Nguyễn Thị Hoài Bắc, ông còn chuẩn bị bộ ấm chén và hai chiếc bút mực kim tinh để làm quà mừng cưới.
Nhắc đến vị cố Thủ tướng này, chị Nguyễn Thị Ánh Nam, con gái bà Hương không khỏi xúc động. Chị cho biết, trong ký ức của chị ngày bé, mỗi lần được vào thăm ông là cả gia đình lại háo hức đến “mất ăn, mất ngủ”.
“Ông chu đáo lắm, cử người đi ô tô xuống tận nơi đón mọi người. Lần nào đến thăm, ông cũng hỏi tình hình sức khỏe, việc học tập ở trường rồi lại bảo đầu bếp chuẩn bị đồ ăn ngon. Chính vì thế, khi nghe tin ông mất cả gia đình mình ai cũng hụt hẫng như mất đi người thân trong gia đình”, chị Nam xúc động nói.
Cách đây 14 năm chồng bà Hương không may qua đời vì ung thư phổi, bà dọn về sống gần nhà người con gái ở khu tập thể Yên Ngưu (Thanh Trì, Hà Nội). Hiện tại những bức ảnh chụp chung với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn được bà Hương cùng các con lưu giữ cẩn thận như những kỷ vật vô giá của gia đình. Bà bảo, ngoài các tên: Bắc, Nam, Thống, Nhất được cố Thủ tướng đặt cho, bốn người con gái còn được gia đình gọi bằng tên: Thủy, Chung, Hiếu Thảo…
Hiện tại cả 4 người con này đều đã có cuộc sống ổn định. Chị Nguyễn Thị Như Nhất đang công tác tại Hội người mù Thanh Trì, còn 3 người con còn lại mở một cửa hàng tóc trên phố Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội).
-Theo dantri-