Giữa thủ đô : Chồng làm “bà đỡ” bất đác dĩ cho vợ ở gia đình có 14 người con
“Nếu còn đẻ được nữa, tôi vẫn đẻ”
Đến thôn 1 xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, Hà Nội) hỏi thăm gia đình đông con nhất huyện ai cũng biết, đó là gia đình ông Phan Văn Hiển (SN 1948) và bà Tạ Thị Nguyệt (61 tuổi). Ông bà có 14 người con, 6 trai và 8 gái.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nên 4 người con đầu của ông Hiển không được đến trường mà phải lăn lộn, bươn chải giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Đến nay, ông bà vẫn còn 6 người con chưa lập gia đình.
Trong căn nhà khang trang, ông Hiển, bà Nguyệt quây quần bên các cháu, ông Hiển cho biết, nhà ông lúc nào cũng đông vui như Tết, đến bữa ăn cơm ít nhất là 2 mâm, cuối tuần đông đủ con cháu thì 4 mâm.
Ông Hiển kể, hai vợ chồng lấy nhau năm 1974, một năm sau ngày cưới, cô con gái đầu ra đời. Từ đó đến năm 2003, cứ hai năm, vợ chồng ông lại sinh thêm một người con. Từ ngày về làm vợ ông Hiển, bà Nguyệt dành phần lớn thời gian cho việc sinh đẻ, chăm con, còn ông Hiển lo làm ăn nuôi cả gia đình.
“Tôi tâm niệm, người là vàng, của là ngãi. Người mới là tài sản cố định còn vàng nay ở nhà mình, mai ở nhà khác nên sinh nhiều con”, ông Hiển nói.
Ngồi tươi cười bên ông Hiển, bà Nguyệt nói: “Số tôi sinh nhiều con, cứ chửa là đẻ chứ không dùng biện pháp tránh thai nào hết. Đến năm tôi 47 tuổi thì không đẻ được nữa nên thôi chứ nếu còn đẻ được nữa tôi vẫn đẻ”.
Theo bà Nguyệt, tất cả 14 người con bà đều đẻ thường. Bốn người con đầu bà đẻ ở bệnh viện, những người con tiếp theo bà đẻ ở nhà.
Chồng đỡ đẻ cho vợ
Lo sợ bị phạt vì sinh nhiều con, ông Hiển bất đắc dĩ trở thành người đỡ đẻ cho vợ mình. Bốn người con đầu bà Nguyệt đẻ ở bệnh viện nhưng từ người con thứ 6, bà Nguyệt đẻ ở nhà vì nếu đẻ ở bệnh viện bị phát hiện sẽ bị phạt.
Kể về lần đầu đỡ đẻ cho vợ, ông Hiển cho biết: “Lần đầu đỡ đẻ cho vợ tôi rất lo sợ, hồi hộp nhưng tất cả đều suôn sẻ. Những lần đưa vợ vào bệnh viện đẻ, tôi quan sát và cũng học hỏi được ở các bác sĩ chút kỹ năng”.
Dụng cụ đỡ đẻ chỉ là một cái kéo, một ít bông băng, thuốc kháng sinh. Bà Nguyệt sinh xong, với sự giúp đỡ của người thân trong nhà làm y tá, ông Hiển dùng kéo cắt dây rốn, bôi thuốc kháng sinh rồi dùng dây chỉ buộc lại. Năm 2003, ông vẫn là “bà đỡ” cho đứa con út của mình tại nhà.
Con sinh xong, ông Hiển không giám lên xã làm khai sinh cho con vì sợ bị phạt. Đến khi cô con gái sinh năm 1988 thi đại học (năm 2006) nhưng không có tên trong hộ khẩu, ông lại lục đục lên xã xin xác nhận. Chính quyền xã sau đó cấp 8 giấy khai sinh cho 8 người con sau của ông.
Nhớ lại thời kì khó khăn, bà Nguyệt tâm sự: “Thời đó nhà nào cũng thiếu ăn, nhà mình lại đông con nên có khó khăn hơn những nhà ít con nhưng cũng không vất vả lắm vì các cháu bảo nhau làm giúp bố mẹ việc nhà, những cháu lớn theo bố làm thợ xây kiếm tiền nuôi các em”.
Ông Hiển chia sẻ thêm: “Nhà đông con nhưng gia đình vẫn nền nếp, chưa bao giờ có điều tiếng gì để hàng xóm dị nghị. Vợ chồng lúc nào cũng hạnh phúc, bảo ban nhau vượt qua khó khăn, chưa bao giờ trục trặc”.