Rùng mình với tập tục “thịt người gác bếp” trong rừng thẳm ở Hà Giang
Hà Giang là một trong những tỉnh có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn thấp. Đặc biệt ơi đây còn có những hủ tục khiến ai biết đến cũng phải rùng mình lạnh gáy. Một trong số đó là hủ tục “thịt người gác bếp” …
Tháo sợi dây, thì bung ra là một cái áo. Chiếc áo gói chân treo gác bếp lâu ngày, két lại, dính chặt nếp gấp với nhau, nên gỡ một lúc mới ra được. Quả nhặt chiếc chân, rõ nguyên cả bàn chân, đủ 5 ngón quẳng ra giữa nền đất. Phần bắp chân nát bét, toe toét, lòi 2 khúc xương đen bóng như màu cột gỗ bám bồ hóng. Nhìn cái bàn chân treo gác bếp mà lạnh cả người.
Cách đây 4 năm, chính xác là vào năm 2013, tôi cùng với ông Tuấn và Nhà báo Đào Thanh Tuy đi vào bản Mã Hoàng Phìn giữa rừng Phong Quang (Vị Xuyên, Hà Giang). Nhà báo Đào Thanh Tuy từng đi vào bản này, nhưng chào thua, phải quay ra. Sau đó, tôi cùng một đồng nghiệp đi vào, nhưng rồi cũng thất bại. Chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cùng ông Tuấn đi vào đó thì mới thành công.
Trong đời làm báo, đi nhiều, mà cũng chưa gặp con đường nào dã man như thế, dù đi được xe máy. Đá hộc lổn nhổn, dốc ngược. Trời mưa thì ko đi được. Thêm một điều thú vị, là gặp những cây nghiến có lẽ mọc từ thời còn voi ma mút. Có cây to đến nỗi, kéo thước dây hết 20m mà chưa hết chu vi gốc.
Đường xa đến nỗi, ông Tuấn phải bắt trộm một con gà mà đồng bào thả trong rừng, để nhỡ đêm hôm đói khát có cái mà ăn. Bức ảnh Xuân Tuấn ôm con gà rừng gây bão thế giới mạng mẽo một thời.
Vào đến bản Mã Hoàng Phìn, chúng tôi xin trú lại nhà một gia đình Mông. Ngồi bên bếp lửa, uống trà, thấy thịt treo lủng liểng trên gác bếp mà thèm. Anh Tuy vốn là nhà báo, nên cứ hỏi những chuyện lạ lùng. Còn tôi vốn ham ăn, nên đi đâu cũng chỉ hỏi về các món ăn. Đồng bào Mông ở xứ này, nhiều người chưa ra khỏi bản bao giờ, vì đi bộ phải mất 2-3 ngày, nên tôi nghĩ sẽ có nhiều điều kỳ quặc.
Tôi cố gắng hỏi cô chủ nhà xem có món gì độc đáo, hoặc kinh dị cũng được, miễn là lạ. Tuy nhiên, cô chủ nhà cứ lắc đầu nguầy nguậy kêu không có. Để thỏa mãn tính tò mò của mình, tôi đưa mắt ngó lên gác bếp để lục lọi.
Những miếng thịt lợn ám khói treo gác bếp thì ăn nhiều rồi, cốt lục xem có gì lạ không thôi. Nhìn hồi lâu thì tôi thấy có một bọc đen sì phía trên giàn củi. Nhìn kỹ lại thì nó là chiếc áo ám bồ hóng, được buộc bởi những sợi dây rừng. Tôi thầm nghĩ “Quái lại, sao lại có cái bọc vải to tướng treo gác bếp”. Tôi quay sang hỏi, thì cô chủ nhà, tầm 30 tuổi, cứ bụm miệng không nói. Vặn vẹo một lúc thì cô mới bảo:
– “Thịt người đấy anh!”.
Nếu đây là 10 năm ngàn năm trước thì chuyện ăn thịt người, còn có người tin, chứ thời buổi này nói thế bố ai tin được. Vì không tin, nên tôi nhất quyết muốn tháo cái bọc ấy ra xem thế nào.
Tôi bê cái bọc đen sì ám bồ hóng đặt xuống nền đất, rồi lựa cởi dây. Cởi xong những chiếc dây thắt nút chằng chịt, thì gỡ dần từng lớp áo đã đóng két lại. Lật hết lớp áo, thì đến lớp vải quần. Lột ra, thì lòi ra cái cục gì cứng như đá. Mở tiếp, thì tôi cũng phải thốt lên
– “Ối mẹ ơi! ối giời đất thiên địa ơi! Đúng là thịt người treo gác bếp!”.
Nguyên xi một cái bàn chân quắt queo, đen sì bồ hóng, còn nguyên cả móng và đủ các ngón. Phần cứng như đá là hai cái xương ống lòi ra.
Tìm hiểu, hóa ra, người Mông ở vùng đất này tin vào chuyện sống thế nào, chết thế đó. Họ sợ, nếu bị thương, bị mất một phần xương thịt, khi chết cũng sẽ là con ma thương tật, nên giữ lại các bộ phận nếu bị loại bỏ. Cô chủ nhà này cho biết, ông chồng bị dính mìn khi làm nương, bị rụng mất bàn chân, nên đã gói lại treo gác bếp. Tìm hiểu rộng ra, thì ở trong bản cũng có mấy trường hợp bị dính mìn, bị ngã, bị đá đè, thương tích nặng phải cưa chân tay, cũng đem treo gác bếp, sau này chết thì gắn nó lại đem chôn.
Chúng tôi rời ngôi nhà của chị khi mặt trời ngấp nghé bên kia dãy núi Răng Cưa. Hình ảnh bàn chân sấy gác bếp vẫn còn ám ảnh trong tâm trí, không chỉ bởi một tập tục ghê rợn mà nó còn là minh chứng cho những hậu quả mà chiến tranh còn để lại trên vùng đất này.