Mẹ sẽ ngừng cho con đi ăn cháo nếu biết các hàng quán dùng thứ này để ninh nhừ xương
Mới đây trên một trang mạng xã hội có bà mẹ chia sẻ về việc đã đọc được thông tin về việc có rất nhiều hàng quán ăn đã sử dụng một loại hóa chất gây hủy hoại tế bào xương của trẻ em, để giúp ninh nhừ xương khi nấu cháo.
Đây quả là thông tin đáng quan tâm liên quan trực tiếp tới sức khỏe khi mà cuộc sống bận rộn, nhiều bậc cha mẹ lựa chọn đưa con ra ngoài ăn cháo sáng cho nhanh và tiện, nhiều người còn đi mua cháo nấu sẵn về chế biến thêm để cho các con ăn dặm.
Nội dung bài chia sẻ như sau:
” Từ đó giờ cả nhà em toàn ra ngoài ăn sáng cháo, phở, bánh canh, hủ tiếu, miến… Bây giờ nghe tin này, “sốc toàn tập” các mẹ ạ.
Một số báo đài đã cử phóng viên (PV) của mình đi điều tra hẳn hoi, quay được clip và chụp được hình luôn nè các mẹ. Qua đó, quy trình hầm xương để có nồi nước dùng thật rợn người. Để ninh nhừ một nồi xương theo cách thông thường thì phải mất 6 – 7 tiếng, nhưng chỉ cần cho một thìa “gia vị Tàu” (hay còn gọi là bột mềm) vào khoảng 10 phút đã khiến xương mềm nhũn.
Chị H. – chủ một quán phở có tiếng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP. HCM – tiết lộ có rất nhiều quán ăn, nhà hàng hiện nay dùng bột mềm để hầm xương và thực phẩm. Loại bột mềm này mua bán rất dễ dàng nên ít ai quan tâm đến tác hại của chúng.
Theo chị H., “Nếu hầm 10 kg xương bò theo cách thông thường thì phải mất khoảng 8 giờ mới mềm và ra hết chất. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vài trăm gam bột mềm với giá vài chục ngàn đồng thì chưa tới 1 giờ sau là đã có được nồi nước dùng thơm ngon và rất trong. Nếu dùng bột mềm hầm thịt, gân, đuôi bò hay chân giò heo, ngoài việc nhanh mềm, thịt còn có độ dẻo rất ngon. Bột mềm dùng hầm đậu nấu chè cũng rất nhanh…“
Không như các hóa chất độc hại khác thường phải bán lén lút, loại bột mềm này được bày bán khá công khai ở chợ Kim Biên, quận 5, TP. HCM. Tại một gian hàng nằm bên hông chợ, PV trong vai người mua hàng đã tiếp cận người bán để hỏi mua bột mềm. Sau khi nhanh nhảu múc 200g bột cho vào một hũ thủy tinh có dán sẵn tem “bột mềm”, họ báo giá 20.000 đồng.
Khi được hỏi về cách dùng, người bán tỏ ra ngạc nhiên nhưng sau đó cũng nhiệt tình chỉ dẫn: “Tẩy sàn nhà hay vật dụng thì chỉ cần cho ít nước vào bột rồi nhúng khăn chà lên vết dơ nhiều lần sẽ sạch bóng. Còn nếu dùng hầm thức ăn thì tùy nhiều hay ít, chỉ cần cho vài muỗng bột này vào là mềm ngay…”.
Khi PV thắc mắc bột tẩy vết dơ dùng hầm xương liệu có hại gì không, người bán trấn an: “Vậy là chị không chuyên nghiệp rồi! Bây giờ, ai cũng mua bột này về hầm xương hết chứ hầm bằng củi lửa thì lấy lời đâu ra!”.
Tại Hà Nội, tất cả các chợ đầu mối, chợ lớn, chợ nhỏ như chợ Thành Công A (Đống Đa), chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng)… đều bày bán rất sẵn loại bột giúp hầm nhừ xương này.
Loại bột mền được bày bán trên thị trường này thực chất là loại sản phẩm có xuất sứ từ Trung Quốc, không có nhãn mác gì rõ ràng. Chỉ vì lợi nhuận mà các lái buôn và người bán hàng đã bất chấp tính mạng của người tiêu dùng để kiếm lời. Nó có công thức hóa học là NaHCO3, các tên gọi là baking soda; sodium hydrogen carbonate; sodium acid carbonate; sodium bicarbonate… Đây là hóa chất rất thông dụng được dùng trong công nghiệp (làm chất tẩy rửa, làm mềm nước nhiễm a-xít) và y tế (thuốc trung hòa a-xít ở người mắc bệnh đau dạ dày). Ngoài ra, chất này còn được dùng trong thực phẩm (làm mềm xương, thịt). Theo quy định của bộ Y tế, nó được dùng 1 – 2 thìa (45 gram/kg) trong 1kg thực phẩm để chế biến. Chất dùng để chế biến thực phẩm đòi hỏi phải có màu trắng, không mùi, không vị và có độ tinh khiết chuẩn.
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay phần nhiều người tiêu dùng đang mua phải những loại bột mềm rởm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và lại còn chứa chất độc hại. Do đó chất này không có bao bì hay nhãn mác gì , người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là chất dùng để nấu thức ăn, còn đâu là chất để rửa bồn cầu. Để tinh chế được baking soda rất tốn kém, nếu nhập ở nước ngoài thì cũng có giá hàng triệu đồng mỗi kg. Trong khi đó, hóa chất dùng trong công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với chất dùng cho chế biến thực phẩm.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thì chất NaHCO3 khi đun ở nhiệt độ cao sẽ khiến cho quá trình thủy phân protein trong thịt, xương thành a-xít amin nhanh hơn. Chính vì vậy, khi cho chất này vào hầm xương thịt sẽ rất nhanh mềm. Tuy nhiên, chất dùng để nấu thực phẩm phải là loại tinh khiết.
Thế nhưng trên thực tế những loại bột mềm bán trên thị trường chủ yếu lại chỉ là chất được dùng trong công nghiệp, có chứa nhiều chì, asen, thủy ngân, có thể gây hủy hoại tế bào xương, khiến trẻ em bị còi xương, rỗng xương. Ngoài ra, chất này gây ức chế hấp thụ phốt pho ở đường ruột, làm mất can-xi, giảm quá trình ô-xy hóa, ảnh hưởng rất lớn đến cơ tim. Chất thủy ngân rất độc, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh; chất asen khiến cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu, bạch cầu giảm, rụng tóc, sút cân, mạch máu bị tổn thương và có thể dẫn đến ung thư. Được biết, hoá chất này còn có thể khiến cho xác chết phân hủy trong thời gian ngắn.
Có thể phân biệt bột nhừ thực phẩm và bột nhừ công nghiệp bằng cảm quan: Bột nhừ dùng trong công nghiệp có mùi vôi khá rõ do lượng khí hydro sục không đủ; trong khi loại dùng trong chế biến thực phẩm thường không mùi, không vị và đặc biệt là màu rất trắng.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP. HCM mách nước, một người đi ăn bún bò giò mà thấy cục giò mềm, xé ra bên trong nó còn màu hồng không bị trắng xác như thịt heo luộc thì có nhiều khả năng đã sử dụng chất làm mềm thịt.
Những thông tin trên chắc chắn được rất nhiều các bố các mẹ quan tâm. Bởi lo cho mình một phần còn lo cho các con lại là phần lớn hơn. Bởi các bé đang phải tiếp xúc hàng ngày với những loại hóa chất gây hại ngay từ khi còn quá nhỏ như vậy, khi lớn lên sẽ gặp phải rất nhiều những hệ lụy ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.