Xót thương cảnh mẹ già 91 tuổi, ngày 3 chén cơm chan mắm tiêu nuôi con tâm thần
Bữa ăn hằng ngày của hai mẹ con cụ chỉ có cơm trắng chan mắm tiêu, thế nhưng không một lời oán trách số phận, dù mệt mỏi nhưng cụ vẫn luôn gắng gượng để nuôi đứa con tâm thần của mình…
Trong con hẻm số 42 thuộc đường Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM), căn phòng trọ rách nát chừng 4m2 của hai mẹ con cụ Biết (91 tuổi) nằm tận sâu nơi cuối góc đường. Mở cánh cửa sắt bước vào dãy trọ, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng dáng cụ khom lưng dọn dẹp, rửa từng chiếc bát cũ đã sứt miệng.
Cụ nhẹ nhàng đặt xuống, rửa tay và mời chúng tôi vào nhà: “Con đợi bà dọn dẹp cho gọn rồi vào nhé! Bà gọi là nhà cho sang miệng thôi con ạ. Chứ nó giống cái chuồng lợn hơn nhưng bà và con bé ở đây mấy chục năm rồi, gắn với bao kỉ niệm vui buồn”.
Nơi ở của mẹ con cụ Biết không giống ngôi nhà nằm giữa trung tâm thành phố. Nó ẩm thấp, tối đen khiến cụ phải đốt hương muỗi mỗi khi có khách đến thăm. Những đồ vật có giá trị trong nhà chỉ là chiếc ti vi hỏng, chạn gỗ cũ và cái nệm mỏng.
“Con bé không chịu gọi bà là mẹ….”
Bắt đầu câu chuyện, cụ Biết đã kể cho chúng tôi nghe về quá khứ “ngày xửa ngày xưa”. Theo đó, từ nhỏ, cụ Biết đã rời quê lên Sài Gòn kiếm sống mưu sinh rồi tình cờ gặp một người con trai cùng quê. Họ bén duyên vợ chồng, có với nhau 6 người con: 3 trai, 3 gái.
Thời gian sau, người đàn ông trụ cột trong gia đình mắc bệnh nặng không qua khỏi, bỏ mặc 7 mẹ con cụ Biết bơ vơ nơi xứ người. Kể từ tháng ngày ấy, cụ một mình gồng gánh mưu sinh, nuôi 6 người con lớn khôn, trưởng thành và có công việc ổn định.
Ngày ấy, cụ chỉ mong chờ các con lập gia đình để có cháu chắt bế bồng. Ngờ đâu, dịch bệnh nặng đã khiến 5 trong 6 người con lần lượt qua đời. Duy nhất cô con gái út – bà Trương Thị Vân (60 tuổi) còn sống nhưng bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang ngoài đường.
“Ngoài thần kinh, con bé không bị bệnh gì hết! Nó có tính thích đi lang thang từ sáng sớm đến tối muộn. Khi nào đói bụng, nó sẽ về nhà ăn xíu cơm rồi lại đi. Vừa nãy, nó đi chán rồi về hỏi bà có ăn hủ tiếu nước không? Bà bảo có ăn, mày đi mua đi. Nghe vậy, nó lại ngược ra ngoài phố dù trong người chẳng có 1 xu”, cụ Biết kể với giọng vui vẻ, hạnh phúc.
Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi thấy bà Vân quay trở về chìa tay xin tiền cụ Biết. Lạ thay, bà không hề gọi cụ là mẹ, thay vào đó: “Bà bán bánh sùng! Cho con tiền mua vòng”. Cụ bảo, con gái không chịu gọi cụ một tiếng mẹ. Trước kia, cụ bán bánh sùng ngoài đầu ngõ nên bà Vân thấy người ta gọi và bắt chước theo. Giờ hễ ai hỏi cụ, chỉ cần nói bà bán bánh sùng, bà Vân sẽ dẫn vào tận nơi.
Dù lớn nhưng tâm trí của người con 60 tuổi chỉ như đứa trẻ lên 5. Bà thường xin cụ Biết tiền mua nhẫn, vòng đeo tay. Hướng ánh mắt về phía người con có tâm hồn thơ dại, cụ Biết nhớ lại: “Con bé đã từng có thời gian bỏ nhà đi lang thang. Bà phải mất vài tháng tìm kiếm mới thấy ở trụ sở công an. Về đây, nó không còn nhớ bà là mẹ nhưng rất ngoan ngoãn, biết nghe lời”.
“Bà ăn có 3 chén cơm, chết cũng chỉ 2 nắm gạo”
Để có tiền trang trải cuộc sống, cụ Biết phải lang thang khắp các con hẻm thuộc phường Cô Giang lượm ve chai. Hàng ngày, cụ bắt đầu công việc từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Cụ bảo giờ đó vắng vẻ, các thùng rác ven đường đầy những chai lọ bỏ đi, vì vậy có thể nhặt được nhiều hơn.
Nghe cụ nói vậy, chúng tôi quay sang hỏi cụ đi lượm giờ đó có mệt không (?). Cụ nở nụ cười thư thái để hằn lên những nếp nhăn dài: “Mệt chi đâu con! Bà đi như vậy cho xương cốt khỏe hơn. Trước đây, đêm nào bà cũng đi lượm nhặt rồi gom góp vài ngày, sau đó bán được khoảng 30-40 nghìn đồng. Giờ thì cách tuần bà mới đi một lần, kiếm chút tiền đóng phí sinh hoạt”.
Ngoài việc đi lượm rác mưu sinh, mẹ con cụ còn được nhà nước trợ cấp hàng tháng khoảng 1 triệu đồng. Số tiền ấy, cụ Biết dành một phần (khoảng 300 nghìn đồng) để đóng tiền trọ. Cụ kể, hàng xóm xung quanh thường xuyên lui tới giúp đỡ hai mẹ con. Người cho chút mắm, chút gạo hoặc gửi ít rau, biếu hộp cơm,…Đặc biệt, cứ đến 13 giờ chiều, nhà chùa sẽ cho người đưa 2 hộp cơm xuống để mẹ con cụ Biết dùng bữa trưa.
“Mẹ con bà ít ăn thịt lắm con ạ! Bữa chỉ cần có cơm trắng chan mắm tiêu kho rồi bỏ quả ớt vào là xong. Con Vân cũng vậy, nó không quen ăn thịt, cá,… Người ta cho cơm thịt, nó gắp thịt qua một bên rồi vội vàng và lấy miếng cơm ăn cho no”, cụ Biết tâm sự.
Nhắc đến việc đón cụ và bà Vân vào Viện dưỡng lão để cuộc sống bớt cực khổ, cụ Biết nói: “Hồi còn bán bánh sùng, người ta có nói đưa hai mẹ con bà vô để chăm sóc, thậm chí chết cũng cho quan tài nhưng bà không chịu. Con bé nó quậy, đòi đi hoài nên ở ngoài này cho nó thong thả. Khi nào bà chết thì nhờ chính quyền giúp đỡ, nuôi nấng nó”.
Thường ngày, cụ Biết sẽ ngủ dưới tấm nệm mỏng cũ kỹ, còn bà Vân nằm trên chiếc võng. Có đợt mưa dột nhà, bà Vân sợ hãi ngồi khóc suốt. Sau đó, có một cô gái tới thăm nhà, thấy nước mưa, nước cống tràn vào nhà đã nhờ người đến tôn giúp cụ cái nền. “Nhìn nó cũ kỹ, xập xệ nhưng giờ không còn dột nước nữa, chỉ có điều trời nắng thì hầm hập nóng”, cụ Biết chia sẻ.
Dù cuộc sống nhiều vất vả, nhưng cụ Biết chưa bao giờ than thở với bất kỳ ai. Cụ luôn cảm thấy hài lòng với những gì mẹ con cụ đang có. Bởi cuộc sống với cụ vốn nhẹ nhàng: “Ăn có 3 chén cơm, chết cũng chỉ 2 nắm gạo”. Có lẽ, một người sống gần trăm tuổi như cụ đã nếm trải đủ mùi vị cuộc đời. Do đó, cụ có thể sống an nhiên, chấp nhận với hoàn cảnh này.